Can thiệp bằng liệu pháp âm nhạc

Can thiệp bằng liệu pháp âm nhạc

Trong nhiều thập kỷ qua, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng âm nhạc là những kích thích hấp dẫn, lôi cuốn tri giác trẻ tự kỷ. Nhiều tài liệu ghi nhận liệu pháp âm nhạc là một phương thức hiệu quả qua việc giúp trẻ tiến bộ về tri giác, từ đó tham gia vào các hoạt động xã hội, cảm xúc, nhận thức và vận động cảm giác. Đó chính là sự bổ khuyết cho những thiếu sót của trẻ tự kỷ.

[vientamlythuchanh] Thực tế âm nhạc là một kích thích hấp dẫn đặc biệt với trẻ tự kỷ nên trẻ có thể tham gia rất tốt các hoạt động âm nhạc, điều đó đóng góp cho hiệu quả của trị liệu âm nhạc. Trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ nói chung tập trung vào các khu vực sau:

         (1) Cải thiện sự phối hợp vân động, cả vận động thô lẫn vận động tinh tế

         (2) Kéo dài thời gian chú ý của trẻ

         (3) Phát triển nhận thức cơ thể

         (4) Phát triển khái niệm tự thân

         (5) Phát triển các kỹ năng xã hội

         (6) Phát triển giao tiếp bằng miệng và không bằng miệng

         (7) Tạo điều kiện cho việc học tập về những khái niệm học thuật cơ bản trước tuổi đến trường và tuổi đến trường

         (8) Chẩm dứt hoặc thay đổi các hành vi nghi thức và lặp lại

         (9) Giảm lo âu, tức giận và tăng động

         (10) Rèn luyện cảm giác, tri giác và phối hợp vận động cảm giác (nghe, nhìn, xúc giác và vận động).

Những đáp ứng của trẻ tự kỷ đối với âm nhạc:

         Trong y văn thường nêu về sự nhạy cảm và chú ý tới âm nhạc một cách lạ thường của trẻ tự kỷ. Thậm chí, có tác giả còn liệt kê khả năng âm nhạc lạ thường thành một tiêu chuẩn để chẩn đoán tự kỷ. Dưới đây là tổng quan tóm tắt về hành vi âm nhạc của trẻ tự kỷ.

         Tác giả Sherwin (1953), trong những nghiên cứu case đã chứng minh trẻ tự kỷ có khả năng rất tốt về trí nhớ giai điệu âm nhạc, nhận biết về âm nhạc cổ điển và rất hứng thú trong chơi piano, hát và nghe nhạc.

         Pronovost (1961), quan sát 12 trẻ tự kỷ trong thời gian trên 2 năm, phát hiện trẻ tự kỷ có sự đáp ứng cao và hứng thú với những âm thanh thuộc âm nhạc hơn hẳn so với những kích thích khác từ môi trường.

         O’Connell (1974) đã báo cáo về khả năng hiếm có khác thường trong chơi piano của trẻ tự kỷ trong khi trẻ đó có các chức năng khác rất thấp. Blackstock (1978) đã tiến hành nghiên cứu so sánh giữa trẻ bình thường và trẻ tự kỷ khi cho hai nhóm nghe nói và nghe âm nhạc. kết luận cho thấy, trẻ tự kỷ thích nghe âm nhạc hơn.

         Một thực nghiệm của Applebaum và cộng sự (1979) cho thấy trẻ tự kỷ có những thao tác bắt chước âm nhạc qua giọng hát, piano và dụng cụ điện tử cũng bằng hoặc tốt hơn trẻ bình thường.

         Tác giả Koegel và cộng sự (1982) cho rằng âm nhạc là một động cơ thúc đẩy hiệu quả khiến trẻ tự kỷ có thể học tập tốt các loại học tập không âm nhạc khác. Âm nhạc cũng được sử dụng làm tăng cường cảm giác dương tính và giảm đi những hành vi tự kích thích.

         Thaut (1987) đã chỉ ra rằng trẻ tự kỷ thích nghe âm nhạc kết hợp với những slide về động vật trong sở thú, trong khi trẻ bình thường chỉ thích xem các slide hơn.

         Nói chung, về đáp ứng của trẻ tự kỷ với âm nhạc, có 3 kết luận như sau:

         (1) Nhiều trẻ tự kỷ có thể thao tác trong các khu vực âm nhạc giỏi một cách khác thường so với các khu vực không âm nhạc khác, đồng thời cũng thao tác âm nhạc giỏi hơn so với trẻ bình thường.

         (2) Nhiều trẻ tự kỷ đáp ứng một cách thường xuyên và thích hợp với âm nhạc hơn so với những kích thích nghe khác.

         (3) Người ta chưa giải thích được về nguyên nhân của những đáp ứng khác thường với âm nhạc của trẻ tự kỷ. Hy vọng những giải thích sẽ có được khi hiểu biết sâu về chức năng não bị thiếu sót của trẻ tự kỷ.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ

 

Hotline tư vấn miễn phí: 0933887113
Zalo